
- info@innotek.tech
- Phone: 0985.420.440
- Pháp lý về nhà đầu tư
- Pháp lý về nhân sự
- Pháp lý cần biết trước và sau khi thành lập doanh nghiệp
- Pháp lý về Hợp đồng
- Pháp lý cổ đông
-
Chủ đề 1: Pháp lý về nhà đầu tư
1- Pháp luật Việt Nam hiện nay có bao nhiêu hình thức đầu tư?
Các hình thức đầu tư vào Việt Nam được quy định cụ thể tại Luật đầu tư 2014, cụ thể là có 4 hình thức đầu tư:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
- Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
2- Điểm khác biệt giữa hợp đồng PPP và hợp đồng BCC là gì?
Hợp đồng PPP và hợp đồng BCC khác nhau về chủ thể của Hợp đồng. Trong đó hợp đồng BCC chủ thể hoàn toàn là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân; còn hợp đồng PPP thì sẽ có một bên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3- Tại sao cần phải thẩm định pháp lý đối với các nhà đầu tư?
Việc thẩm định pháp lý nhà đầu tư để đảm bảo rằng nhà đầu tư hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện thực hiện đầu tư vốn.
4- Thỏa thuận bảo mật thông tin giữa các nhà đầu tư nên được thiết lập trong giai đoạn nào?
Thỏa thuận bảo mật cần thiết lập ngay khi các nhà đầu tư quan tâm, tiếp cận và cần cung cấp thông tin cho quyết định đầu tư của mình cho đến khi chính thức đầu tư cũng như rút khỏi dự án.
5- Thỏa thuận giữa các nhà đầu tư phải được thể hiện dưới hình thức nào theo quy định pháp luật?
Pháp luật không quy định cụ thể về hình thức thỏa thuận giữa các nhà đầu tư, vì vậy các bên hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ sở pháp lý ràng buộc các bên về việc thực hiện thỏa thuận và giải quyết tranh chấp (nếu có) thì các bên nên thỏa thuận bằng văn bản cụ thể.
6- Có bao nhiêu hình thức đầu tư ra nước ngoài?
Nhà đầu tư khi đầu tư ra nước ngoài có thể thực hiện hoạt động đầu tư theo 04 hình thức sau:
- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;
- Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;
- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư
7- Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là gì?
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
8- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư tối đa là bao lâu?
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư phụ thuộc vào khu vực đầu tư và dự án đầu tư nhưng tối đa không quá 70 năm (Điều 43 Luật Đầu tư).
9- Khi tạm ngừng dự án đầu tư thì cần thông báo đến cơ quan nào?
Khi tạm ngừng dự án đầu tư phải thực hiện thông báo đến cơ quan thực hiện đăng ký đầu tư (Khoản 1 Điều 47 Luật Đầu tư)
10- Nhà đầu tư Việt Nam khi sử dụng lơi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài thì cần thực hiện thủ tục gì ?
Khi Nhà đầu tư sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Khoản 1, Điều 66 Luật Đầu tư)
Chủ đề 2: Pháp lý về nhân sự
1- Có bao nhiêu loại hợp đồng lao động (HĐLĐ)?
Theo Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 thì có 03 loại HĐLĐ, bao gồm:
- HĐLĐ không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
- HĐLĐ xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
- HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2- Các trường hợp áp dụng trợ cấp mất việc?
Căn cứ theo quy định tại Điều 44, Điều 45 và Điều 49 Bộ luật lao động 2012 thì Công ty sẽ chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động (NLĐ) nếu NLĐ đã làm việc thường xuyên cho Công ty ít nhất từ đủ 12 tháng và lý do mất việc là do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
3- Công ty có thể buộc NLĐ trở lại làm việc khi NLĐ đang trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hay không?
NLĐ đang trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản có thể quay lại làm việc nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Đã nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được ít nhất 04 tháng;
- Đạt được thỏa thuận với Công ty;
- Đảm bảo sức khỏe để làm việc.
4- NLĐ khi tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc có bị xem là đơn phương chấm dứt HĐ trái pháp luật không?
NLĐ khi tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc không bị xem là đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật vì theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Bộ Luật lao động 2012 thì trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.
5- Công ty và NLĐ có thể thỏa thuận về việc không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không?
Không. Việc tham gia BHXH của NLĐ và Công ty là quy định bắt buộc theo pháp luật nếu NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH. Do đó, trường hợp Công ty và NLĐ thỏa thuận không tham gia BHXH là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
6- Người lao động (NLĐ) làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần được trả lương như thế nào?
Căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 97 Bộ luật lao động 2012, NLĐ làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần thì được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm ít nhất bằng 200%.
8- Tiền lương trong thời gian thử việc của được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 28 Bộ Luật lao động 2012 thì tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
9- Có bao nhiêu hình thức xử lý kỷ luật lao động?
Có 03 hình thức xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động 2012, bao gồm:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, hoặc Cách chức
- Sa thải.
10- Phụ lục hợp đồng kéo dài thời hạn của hợp đồng được ký tối đa bao nhiêu lần?
Thời hạn hợp đồng chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Chủ đề 3: Pháp lý cần biết trước và sau khi thành lập doanh nghiệp
1- Văn bản nào điều chỉnh việc thành lập, quản lý, tổ chức doanh nghiệp và những chủ thể nào có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam?
Hiện tại việc thành lập, quản lý và tổ chức doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 được ban hành vào ngày 26/11/2014 và văn bản hướng dấn thi hành.
Những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực pháp luật dân sự và không thuộc trường hợp không được quyền thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật như Cán bộ, công chức, viên chức, người mất năng lực hành vi dân sự, tổ chức không có tư cách pháp nhân,…
Những tổ chức, cá nhân có đủ năng lực pháp luật dân sự và không thuộc trường hợp không được quyền thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật như Cán bộ, công chức, viên chức, người mất năng lực hành vi dân sự, tổ chức không có tư cách pháp nhân,…
2- Theo quy định của pháp luật hiện hành có bao nhiêu loại hình doanh nghiệp, nêu tên và đặc điểm cơ bản của các loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật?
Hiện tại, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, có 4 loại hình doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
- Loại hình doanh nghiệp tư nhân: do 1 cá nhân làm chủ sở hữu và không có tư cách pháp nhân.
- Loại hình Công ty TNHH được chia thành:
- Công ty TNHH một thành viên: là công ty mà 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ sở hữu và có tư cách pháp nhân.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên: là công ty bao gồm 2 cá nhân/ tổ chức – không quá 50 cá nhân/ tổ chức làm chủ sở hữu và có tư cách pháp nhân.
- Loại hình Công ty cổ phần: 3 cá nhân hoặc tổ chức trở lên làm chủ sở hữu và có tư cách pháp nhân.
- Loại hình Công ty hợp danh: có ít nhất 02 cá nhân là chủ sở hữu và có tư cách pháp nhân.
3- Đặt tiên như thế nào là phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp?
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và Tên riêng. Ví dụ: Công ty TNHH Một Thành Viên ABC.
4- Sau khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp được sử dụng tối đa bao nhiêu con dấu?
Theo quy định tại Điều 44 Luật doanh nghiệp 2014 và quy định chi tiết tại Điều 12 của Nghị định 96/2015/NĐ-CP, chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Như vậy, doanh nghiệp có toàn quyền quyết định số lượng con dấu sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp phải tiến hành thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh thì đương nhiên con dấu của doanh nghiệp sẽ không có hiệu lực pháp luật.
5- Sau khi thành lập doanh nghiệp, những trường hợp nào cần phải thành lập Ban kiểm soát và nếu không thành lập thì phải chịu chế tài gì?
Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, các trường hợp như sau phải thành lập Ban kiểm soát, bao gồm:
Theo quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP, trong trường hợp doanh nghiệp không thành lập Ban kiểm soát theo quy định pháp luật thì bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và buộc thành lập Ban kiểm soát theo quy định của pháp luật.
- Đối với mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Khi công ty có số lượng thành viên từ 11 người trở lên thì phải thành lập Ban kiểm soát.
- Đối với mô hình công ty Cổ phần: Khi có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.
Theo quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP, trong trường hợp doanh nghiệp không thành lập Ban kiểm soát theo quy định pháp luật thì bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và buộc thành lập Ban kiểm soát theo quy định của pháp luật.
6- Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có yêu cầu phải được xác định?
Địa điểm kinh doanh của công ty bao gồm địa điểm trụ sở chính của công ty thành lập và cả địa điểm của các cơ sở kinh doanh của công ty.
- Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố hoặc Tên xóm, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử(nếu có).
- Trong trường hợp nơi đặt trụ sở chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì phải có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh.
7- Ngành nghề kinh doanh có ảnh hưởng như thế nào đến việc thành lập doanh nghiệp?
Ngoài thủ tục đăng kí kinh doanh thông thường thì một số ngành nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề, phải đáp ứng một số điều kiện đặc thù nhất định mà luật định. Hiện nay pháp luật quy định 3 loại ngành nghề kinh doanh chính mà đòi hỏi doanh nghiệp phải thỏa mãn thêm một số yêu cầu với việc kinh doanh, đó là:
- Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Với các ngành, nghề hoạt động kinh doanh có điều kiện thì tùy từng ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ được yêu cầu như: xin giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp cho ngành kinh doanh đó hay phải đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định về phòng cháy, chữa cháy, trật tự xã hộị…
- Các ngành nghề kinh doanh có vốn pháp định: Đối với từng ngành nghề cụ thể cần quy định rõ mức vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp. Mức vốn pháp định được xác định theo từng ngành nghề, kinh doanh cụ thể, không áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp và được thông qua bởi các văn bản dưới luật do cơ quan nhà nước ban hành.
- Các ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề: Tùy theo ngành nghề kinh doanh mà chủ sở hữu hay người quản lí công ty cần có chứng chỉ hành nghề. Doanh nghiệp phải chắc chắn rằng mình có thể thỏa mãn các điều kiện pháp lý để có thể xin được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
8- Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thời hạn đăng ký thuế của doanh nghiệp không bị giới hạn?
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 95/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28/06/2016, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp GCNĐKDN hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp phải liên hệ cơ quan thuế để đăng ký thuế. Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
9- Có bắt buộc phải góp vốn theo cam kết sau khi thành lập doanh nghiệp?
Đối với từng loại hình doanh nghiệp khác nhau thì quy định về mức vốn pháp định là khác nhau:
- Đối với công ty TNHH: Chủ sở hữu và các thành viên phải góp đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết góp vào công ty. Trường hợp thành viên công ty không góp đủ vốn đương nhiên sẽ không còn là thành viên của công ty hoặc nếu chỉ góp một phần thì sẽ chỉ có quyền tương ứng với số vốn đã góp. Đồng thời, những thành viên này sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã cam kết gópvới các nghĩa vụ tài chính của công ty.
- Đối với công ty Cổ phần: Các cổ đông sáng lập có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp GCNĐKDN. Trường hợp cổ đông công ty không thanh toán số cổ phần đương nhiên sẽ không còn là cổ đông của công ty hoặc nếu chỉ thanh toán một phần thì sẽ chỉ nhận được phần lợi tức và các quyền khác tương ứng với số vốn đã góp. Đồng thời, những cổ đông này sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua với các nghĩa vụ tài chính của công ty.
10- Doanh nghiệp phải cấp Giấy chứng nhận góp vốn trong trường hợp nào?
Đối với mô hình Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty phải có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho các thành viên tại thời điểm góp vốn theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp công ty không thực hiện, có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Chủ đề 4: Pháp lý về Hợp đồng
1- Các bên có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm trong trường hợp không có thoả thuận trong hợp đồng hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 418 BLDS 2015:
"Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm."
"Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm."
2- Mức phạt vi phạm tối đa đối vi phạm trong hợp đồng kinh tế là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại 2005 thì mức phạt tối đa đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp Phạt vi phạm trong trường hợp kết quả giám định sai quy định tại điều 266 Luật thương mại 2005.
3- Các hình thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại là gì?
Theo quy định tại điều 317 Luật thương mại 2005 thì các hình thức giải quyết tranh chấp bao gồm:
- Thương lượng giữa các bên.
- Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
- Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
4- Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng thương mại là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 319 Luật Thương Mại 2005 thì thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 điều 327 Luật Thương Mại 2005 sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
5- Loại đồng tiền thanh toán trong hợp đồng thực hiện tại Việt Nam là gì?
Các hợp đồng thực hiện tại Việt Nam đều phải thanh toán bằng đồng Việt Nam trừ các trường hợp theo Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
6- Các phương thức giải quyết tranh chấp trong trường hợp Hợp đồng thương mại phát sinh tranh chấp?
Để giải quyết tranh chấp phát sinh trong Hợp đồng, các bên có thể lựa chọn một trong các phương thức sau:
- Thương lượng, hòa giải.
- Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.
- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại.
7- Các trường hợp được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương mại ?
Căn cứ theo quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005 thì bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
8- Bên bị vi phạm có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm trong trường hợp bên vi phạm không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 thì bên bi vi phạm chỉ được áp dụng chế tài phạt vi phạm khi Có vi phạm xảy ra và hai bên có thỏa thuận phạt vi phạm trong Hợp đồng. Ngoài ra, Công ty có quyền yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán theo quy định của Điều 306 Luật Thương mại 2005.
9- Bên bị vi phạm có quyền áp dụng chế tài hủy Hợp đồng thương mại trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 312 Luật Thương mại năm 2005 thì chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây và không bao gồm các trường hợp miễn trừ theo quy định tại Điều 294 Luật thương mại 2005:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
10- Hợp đồng vi không tuân thủ về hình thức có thể bị tuyên vô hiệu hay không?
Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật dân sư 2015 thì Hợp đồng vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu trừ trường hợp sau:
- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Chủ đề 5: Pháp lý cổ đông
1- Cổ đông của công ty cổ phần có phải liên đới chịu trách nhiệm pháp lý về toàn bộ khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp hay không?
Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp 2014 về công ty cổ phần.
2- Cổ đông của công ty cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần hay không?
Về nguyên tắc, các cổ đông trong công ty cổ phần được quyền chuyển nhượng cổ phần của mình sở hữu cho các cổ đông khác hoặc người khác. Những người nhận chuyển nhượng cổ phần đương nhiên trở thành cổ đông mới của công ty. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các cổ đông sáng lập, pháp luật quy định trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm đầu tiên thực hiện hoạt động kinh doanh. Cụ thể: với cổ phần phổ thông thì trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổng đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cho các cổ đông sáng lập còn lại của công ty, trường hợp chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. (Căn cứ Điều 119, 126 Luật doanh nghiệp 2014).
3- Các trường hợp xác lập tư cách cổ đông trong công ty cổ phần là trường hợp nào?
Bao gồm các trường hợp sau:
- Đăng ký mua cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp (Điều 119.2 Luật Doanh nghiệp 2014)
- Mua cổ phần khi công ty chào bán trong phạm vi cổ phần được quyền chào bán
- Trường hợp 1: Chào bán cổ phần chưa được đăng ký mua hết tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp (Điều 111.3 Luật Doanh nghiệp 2014)
- Trường hợp 2: Chào bán cổ phần tăng thêm trong quá trình hoạt động để công ty tăng
- Nhận chuyển nhượng cổ phần
- Thừa kế cổ phần
- Tặng cho, nhận trả nợ bằng cổ phần
- Mua cổ phần bán đấu giá để thi hành án
4- Người sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền biểu quyết hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 117 Luật Doanh Nghiệp 2014 thì Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
5- Theo quy định của pháp luật, cổ đông ưu đãi cổ tức sẽ được chia cổ tức không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Khi công ty kinh doanh không có lãi thì cổ đông sở hữu cổ phần này có được chia cổ tức từ vốn công ty hay không?
Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức, công ty ấn định cổ phần ưu đãi cổ tức được hưởng một mức cổ tức cố định hàng nằm thì dù doanh thu thua lỗ vẫn phải trả đủ cổ tức. Căn cứ vào Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2014.
6- Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông không?
Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do điều lệ công ty quy định. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ loại cổ phần này. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông nếu căn cứ theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. ( Khoản 6 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014).
7- Chủ tịch Hội đồng quản trị có bắt buộc phải là cổ đông Công ty hay không?
Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2014, thì một trong những tiêu chuẩn cần phải đáp ứng để trở thành thành viên Hội đồng quản trị là "Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác."
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu từ một trong số các thành viên của Hội đồng quản trị. Như vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông công ty trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định cụ thể Chủ tịch Hội đồng quản trị phải là cổ đông công ty.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu từ một trong số các thành viên của Hội đồng quản trị. Như vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông công ty trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định cụ thể Chủ tịch Hội đồng quản trị phải là cổ đông công ty.
8- Chi nhánh Công ty Cổ phần có được lưu giữ Sổ đăng ký Cổ đông hay không?
Nhằm để ghi chép và lưu giữ các thông tin liên quan đến cổ đông và các lần chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông trong công ty cổ phần, công ty bắt buộc phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2014 thì “ Sổ đăng ký cổ đông được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty hoặc Trung tâm lưu ký chứng khoán.[…]”. Như vậy, Chi nhánh Công ty cổ phần không có thẩm quyền lưu giữ sổ đăng ký cổ đông của cổ đông công ty.
9- Pháp luật Doanh nghiệp quy định như thế nào về trách nhiệm pháp lý của Cổ đông về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong Công ty Cổ phần?
Căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2010 đã xác định rõ trách nhiệm pháp lý của cổ đông đối với các vấn đề liên quan đến nợ và nghĩa vụ tài chính đối với Công ty Cổ phần. Theo đó: "Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp".
Như vậy, Cổ đông Công ty được giới hạn trách nhiệm pháp lý của mình trong phạm vi phần vốn góp vào doanh nghiệp về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong Công ty.
Như vậy, Cổ đông Công ty được giới hạn trách nhiệm pháp lý của mình trong phạm vi phần vốn góp vào doanh nghiệp về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong Công ty.
10- Đến thời hạn theo quy định mà cổ đông không thanh toán đầy đủ số cổ phần đã đăng ký mua thì có phải chịu trách nhiệm hay không?
Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua với công ty. Tuy nhiên, trong trường hợp vượt quá thời hạn theo quy định mà Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn theo quy định. Căn cứ tại khoản 1, khoản 4 Điều 112 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
